Wednesday, February 16, 2011

Chuyện tình tuyệt đẹp...

 Nỗi lòng người đi (Cảm nghĩ khi đọc « Hồi ký Hồ Tấn Phát : Cuộc đời & Sự nghiệp »)

 

Đầu năm khai bút, tôi muốn viết lại một chuyện tình bất hủ, đẹp và trong sáng từ ngày đầu tiên hai người gặp nhau đến ngày cuối vĩnh biệt. Nói đến tình yêu là nói đến thăng trầm bể dâu và lẽ thường hợp tan của cuộc đời. Không phải cố tình, tôi lấy tựa đề Nỗi Lòng Người Đi, bài hát nổi tiếng thời di cư năm 1954 của nhạc sĩ Anh Bằng mà đó chỉ là một sự trùng hợp. Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu ... nỗi lòng của đôi trai gái miền Bắc yêu nhau khi đất nước phân chia vì Cộng Sản tiếp thu Hà Nội. Nữ ở lại, Nam ra đi đôi bờ cách xa nhưng câu chuyện tình tôi sắp kể thì có nhiều phần đối nghịch dù vẫn chung hoàn cảnh chiến tranh đau thương của đất nước. 

Họ xa nhau vì sau hai mươi năm chinh chiến, Cộng sản tiến chiếm Sài Gòn một ngày cuối tháng Tư năm 1975. Quê hương là miền Nam, họ không ở tuổi thiếu niên như hai nhân vật của nhạc sĩ Anh Bằng mà đã trưởng thành, có gia đình con cái. Họ không chia tay với mối tình đầu, tình cờ đến rồi lạnh lùng đi, vác cây đàn trên vai với tâm hồn lãng mạn mà ngược lại mối tình trăm năm ấy như định mệnh đã an bài, bị sẻ làm đôi ! Cuộc đời từ đó như 2 nhánh sông, không êm đềm chẩy nữa mà gập ghềnh sỏi đá, không biết nông sâu ở khúc quanh nào mà né tránh khi người đàn bà ra đi một mình, ôm theo vận mạng sinh tử của đàn con và người chồng kẹt lại với mối tình lương tâm mà sống kiếp làm người ai cũng có ... nhưng trong thực tế thì kẻ nhớ, người quên. Khác với ca khúc ở trên, cuối cùng họ cũng được gặp nhau chỉ buồn vì sau đó cuộc đời lại tái diễn cảnh chia phôi, nghìn trùng xa cách nghĩa là Người Đi và cả Người Ở Lại đã phải trải qua 2 lần nỗi lòng ly biệt ...
Tôi gặp ông Hồ Tấn Phát do một sự tình cờ. Trong những cuộc hội ngộ của cựu nhân viên điện lực Sài Gòn còn gọi là CDV năm vừa qua, tôi được mời vì có anh em trong gia đình làm việc ở công ty khi xưa. Mọi người đều vây quanh một nhân vật như thần tượng mà cốt cách ông lại giản dị thân mật giống người nhà. Quá khứ dù qua đi nhưng kỷ niệm cũ, đẹp hay xấu, vẫn theo con người ta đến cuối đời. Cách xử thế của nhân viên cũ đối với ông làm tôi ngạc nhiên để ý. Sau những phút trò chuyện, biết ông đã theo học Les Grandes Ếcoles ở Paris nên đem lòng ngưỡng mộ về tài năng và đức độ. Dù mới gặp nhưng lại thấy thân quen với ông ngay từ buổi đầu và ông tặng tôi cuốn hồi ký Hồ Tấn Phát : Cuộc Đời & Sự Nghiệp vừa mới in xong.
Sự nghiệp ông thì những ai sống ở Việt Nam thập niên 1960 đến 1970 đều biết rõ và mang ơn. Ông là Tổng Giám Đốc Công ty Điện Lực Việt Nam đã cung cấp điện để máy móc cơ xưởng chạy ban ngày và ban đêm thắp sáng từng căn nhà từ thành thị đến thôn quê. Ông có một sự nghiệp vẻ vang mà nhiều người đã biết nên tôi không cần nhắc lại, chỉ xin tóm lược tiểu sử : Sinh ra và lớn lên ở Chợ Đệm, một làng nhỏ thuộc tỉnh Long An cách xa thủ đô 12 cây số, thuở nhỏ đi học ông giỏi toán nên lớn lên được học bổng tiếp tục đại học bên Pháp. Tại Paris năm 1954, ông đỗ kỹ sư điện École Supérieure d’Électricité (Sup Elec) và đến năm 1956, tốt nghiệp kỹ sư hàng không École Nationale de l’Aviation Civile (ENAC). Đó là những trường lớn, nhận vào qua kỳ thi tuyển khó khăn, tựa như 8 trường Ivy League ở Mỹ. Ông lập gia đình và có con trước khi về nước, khởi sự làm việc tại Nhà Đèn Chợ Quán. Cơ xưởng hồi ấy còn thuộc công ty tư nhân của Pháp gọi tắt là CEE (Compagnie des Eaux et d’Électricité) cho đến năm 1967 mới chuyển giao cho miền Nam Việt Nam và cuối cùng trở thành Công ty Điện Lực Việt Nam (CDV) mà Ông Hồ Tấn Phát làm Tổng Giám Đốc cho đến ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng Hoà. Trong thời gian lãnh đạo cơ quan với tầm vóc quốc gia như thế, tôi được biết ông lấy sự bình đẳng đối xử với mọi tầng lớp nhân viên, Tây cũng như Ta và cái gì đúng thì luôn luôn được tôn trọng còn nếu sai thì phải sửa lại bằng cả lý lẫn tình.
Tháng Tư Đen năm 1975, chở vợ con vào phi trường Tân Sơn Nhất để chờ di tản nhưng riêng ông lại trở về nhiệm sở vì nghĩ đến nhân viên điện lực mà không nỡ lòng bỏ đi. Ông ví mình như con chim đầu đàn, chẳng may gặp cơn giông tố mà tìm nơi trú ẩn một mình để cả đàn phía sau dập vùi trong mưa bão, lòng dạ nào yên, nghĩ sao cho ổn ! Như một vị tướng không rời quân sĩ khi thất thế, lương tâm trượng phu ấy đã bắt ông trả bằng những năm tù  « cải tạo » ra đến tận đất Bắc xa xôi ở chốn rừng thiêng nước độc và cũng từ lúc đó gia đình ông sống trong cảnh ly tan. Đến lúc mẹ già vào thăm nuôi, nhìn ông và miệng lẩm bẩm nói một mình : « Không hiểu tại sao con đến nông nỗi này ? » thì nước mắt ông tuôn rơi ... nghẹn ngào vì chính ông cũng không biết mình có tội gì với quê hương để mẹ già phải lầm than cơ cực, băng rừng vào gặp đứa con đói ăn tiều tuỵ trong lao tù ? Thật hổ thẹn cho đất nước trong chế độ Cộng sản mà cả thế giới đã ruồng bỏ, câu hỏi vẫn còn đó nhưng chưa dứt khoát được trả lời từ người có trách nhiệm dù chỉ bằng một lời xin lỗi ngắn ngủi ...
 
Khi về nước năm 1956, ngoài nhiệm vụ ở Nhà Đèn Chợ Quán, ông còn đi dậy tại Trường Cao Đẳng Điện Học Phú Thọ nên đa số nhân viên gọi ông bằng thầy. Ông năm nay đã 85 tuổi, mặc dù tuổi cao nhưng tính tình vẫn trẻ trung nên tôi cũng xin phép được gọi Thầy xưng Em để giữ không khí thân mật thầy trò mà nhóm điện lực đã có với ông từ bao lâu nay. Thầy Phát có khuôn mặt điển trai mà bạn bè gọi thầy là tài tử Paul Newman của Việt Nam. Thầy rất ăn ảnh vì nét tươi sáng và nụ cười lúc nào cũng nở trên môi. Người đàn ông tài hoa ấy giữa kinh đô ánh sáng đã không bị tơ vương bởi những bông hồng tóc vàng mắt xanh, đẹp lộng lẫy trên đường phố Paris mà trân quý mối tình khi vừa biết yêu với người em gái nơi quê, trước khi lên đường xa nhà du học. Tôi muốn nói đến cô Dân hay cô Một vì cô sanh ra thứ 11 trong gia đình. Cô Dân là người đàn bà lý tưởng đứng sau người đàn ông tài giỏi vì thế đã chiếm trọn trái tim thầy từ lúc sơ giao đến lúc cô vĩnh biệt đi về bên kia thế giới. Mối tình thầy cô trọn vẹn tựa như Roméo & Juliette hay Love Story của Erich Segal với câu nói bất hủ : « Love means never having to say you’re sorry » ý nói khi đã yêu chân tình, không ai muốn bất cứ điều gì xẩy ra làm đau lòng người mình yêu.
Cô Dân có người chị lấy anh của thầy Phát nên họ gặp và yêu nhau nhanh chóng trong tình gia đình ngắn gọn. Năm 1947, học sinh trường Gia Long nhưng vì yếu môn Toán nên thầy đến kèm rồi giản dị để lại con tim cô giữ say mê cho đến lúc từ giã cõi đời. Tôi không có may mắn gặp cô Dân lần nào nhưng được nghe kể cô hiền lành chất phác mang bản tính cố hữu của người miền Nam hai mùa mưa nắng. Tình cảm mặn nồng nên cô dễ hoà đồng với mọi người. Dù là vợ của viên chức chỉ huy cao cấp nhưng phong cách cư xử của cô đối với nhân viên lúc nào cũng trong tình thân mỗi khi có dịp gặp gỡ. Cô thường ca hát giúp vui mỗi khi gia đình Điện Lực có hội hè nên mọi người đều mến mộ để rồi thương tiếc ngày cuối cùng vĩnh biệt cô.
Sống với thầy được 5 mặt con, 2 trai và 3 gái, hai người con lớn học ở Hawai khi Sài Gòn thất thủ và cô ra đi với 3 đứa nhỏ lần đầu bơ vơ giữa chợ đời ... Nhà cửa, tiền bạc và cả người chồng bao lâu nay là cột trụ của gia đình, tất cả đã cùng ở lại trên quê hương một ngày buồn cuối Tháng Tư Đen. Tình yêu nào cũng phải trải qua gian nan thử thách và cô đã sống với số phần của mình để người đời hiểu trọn nghĩa câu : « Thức lâu mới biết đêm dài, ở lâu mới biết là người có nhân ... » tấm lòng sắt son với gia đình và sự thuỷ chung nghĩa vợ chồng của cô đã vì thế được tô đậm bằng những hình ảnh trong sáng.
 
Cô chọn nước Pháp làm nơi dung thân chỉ vì toà lãnh sự Pháp ở Việt Nam còn hoạt động lúc đó mặc dù người thân đã khuyên cô nên đến Mỹ, nhiều quyền lợi đặc biệt dành cho dân tị nạn. Tôi hiểu khi cô kể lại với thầy tại sao khước từ : « Đó là ý kiến rất thực tế nhưng em nghĩ tìm kiếm tin tức của Phát là quan trọng hơn cả. Em không thể sống mà không có tin tức của Phát được ... ».  Lời nói ngay thẳng, không văn hoa cầu kỳ và đã là đàn ông, ai cũng muốn nghe vì lời tâm sự ấy mang theo thông điệp của lời tỏ tình cao quý nhất mà người vợ có thể dành cho người chồng : Em chỉ cần Anh thôi ! hay nói khác đi Anh là lẽ sống của đời em ...
Trong khi thầy Phát cùng đồng bào miền Nam đi tù « cải tạo » để từ một người tốt trở thành người xấu theo chính sách Cộng sản (?) thì tin tức cũng không được trao đổi. Một lá thư cô đã viết trong nước mắt khi đối diện cuộc đời lạc lõng nơi xứ người, tình cờ 17 năm sau mới đến tay thầy vì ông Nakamura, người bạn Nhật nhận lãnh giao bức thư nhưng đã không thể chuyển vì hoàn cảnh khó khăn ở Việt Nam lúc trước. Đọc lá thư tình, cũng với lời diễn tả xót xa chân thực : « Cưng ơi ! Em chỉ biết khóc và khóc cho thật nhiều để lòng vơi bớt nỗi khổ đau. Em ráng có đủ can đảm và nghị lực để cố sống nuôi con và chờ mình đây ... ». Tình đã già nhưng thời gian không phai nhạt nét yêu thương để hai bóng hình, tóc đã bạc mầu, ôm nhau trong một ngày mưa gió rất bình thuờng ở tiểu bang Oregon nhưng lần này « Il pleut dans mon coeur comme il pleut sur la ville » (trời mưa trong trái tim tôi như mưa về thành phố) câu thơ của Paul Verlaine tự thấy sao đúng với tâm trạng của thầy chỉ khác là tiếng khóc hôm nay là tiếng lòng hạnh phúc cho vơi đi dư âm những ngày cũ u sầu ! Một lần nữa thầy lại khóc để cuốn hồi ký ướt đẫm những trang giấy ... Tình cờ thấy ướt trên mặt, quẹt ngang tôi mới biết mình vừa xúc động bởi 3 chữ cuối cùng « chờ mình đây ... » trong bức tâm thư. Ôi tình yêu ! vật quý muôn mầu, nước mắt rơi vì thấy người yêu bị lâm vào cảnh đoạn trường còn bao nhiêu đau khổ của riêng mình thì nuốt trôi vào đáy lòng, không cảm nhận nữa dù mong manh vài giây phút !
Tình yêu vợ chồng chỉ dành cho một người, tình bạn bè đồng đội gom lại từ nhiều người, dù khác nhau trong định nghĩa nhưng đối với người lãnh đạo có lương tâm vẫn bên tám lạng người nửa cân để hoàn cảnh trở thành éo le, khó nhìn thấy trước hậu quả trong những quyết định cho là chủ quan của mình. Từ phi trường Tân Sơn Nhất, thầy trở về sống chung với nhân viên Điện Lực trong giờ phút điêu linh của thời cuộc và cũng ngay giờ phút đó, cô biết mình đã chấp nhận cảnh tử biệt sinh ly với chồng và Nỗi Lòng Người Đi lần thứ nhất cũng tan nát từ đây ... Bao nhiêu cay đắng vì cuộc sống phức tạp nơi xứ lạ quê người mà cô phải cáng đáng để đổi lấy tương lai các con và ngày mai xum họp với chồng dù xã hội đang cư ngụ và chính thể ở quê nhà có muôn vàn khó khăn nhưng trong tim cô vẫn ấp ủ niềm hy vọng mãnh liệt nên cô Dân đã vượt lên mọi khổ cực cả về vật chất lẫn tinh thần. Từ một mệnh phụ phu nhân của Chef des Centrales được đặc ân sống tại biệt thự chức vụ số 383 Bến Chương Dương Sài Gòn (tại đây có sân tennis, khu vườn rộng trồng hoa kiểng và cây ăn trái, đường lái xe vào nhà và có cả người giúp việc trong mọi công tác từ bồi bếp, tài xế đến làm vườn) rồi một sớm một chiều, cuộc đời cô đã trở thành người thợ nấu ăn trong một quán cơm nhỏ ở Savigny sur Orge vùng ngoại ô Paris. Quán này là một căn phố lầu, cô ở lầu trên, dưới là tiệm ăn. Công việc đa đoan, làm việc trong bếp trên 12 tiếng mỗi ngày mục đích để hàng tháng có thu nhập nuôi con đi học. Song song với việc sinh sống của gia đình, cô lưu tâm vào việc giúp thầy có hộ chiếu Pháp & Việt để đoàn tụ với vợ và các con khi đã mãn hạn tù Cộng sản. Vào quốc tịch Pháp theo lời đề nghị của dân biểu thượng viện d’Ornano, một năm sau đó cô can thiệp từ phương xa cho chồng qua những cơ quan công quyền như Liên Hiệp Quốc Cao Uỷ Phủ Tỵ Nạn, Toà Đại Sứ Pháp tại Hà Nội, Tổng Lãnh Sự Pháp tại Sài Gòn, Bộ Ngoại Giao Pháp, Quốc Hội Pháp và cả văn phòng Tổng Thống Valéry Giscard d’Estaing để thầy Phát cùng với mẹ già đến phi trường Charles de Gaulle vào một buổi trưa cuối tháng 10/1979. Thật đáng khâm phục !
Người đàn ông khoa bảng từ những trường đại học lớn của nước Pháp năm xưa ngày nay « thúc thủ » sau những năm tháng giam cầm khổ sai trong ngục tù Cộng sản. Giữa kinh đô hoa lệ đã thân quen từ dĩ vãng vàng son, chàng sống yên lặng bên cạnh vợ. Nàng chở chồng con những ngày Chủ Nhật đi Euro-marché, siêu thị lớn ở vùng ngoại ô để mua bán và ăn trưa tiệm fast food bình dân nhưng lại là hạnh phúc lớn lao của gia đình khi đã được xum vầy bên nhau. Hằng năm, khi quán cơm đóng cửa vào tháng 07, cô Dân lái chiếc xe Station wagon chở chồng và 3 đứa con đi nghỉ Hè ở Côte d’Azur miền Nam nước Pháp. Thời thế tạo Nữ Kiệt, cô Dân trở thành đầu tầu và hăng hái trong mọi hoạt động để không khí gia đình trở lại bình thường. Ước mong đoàn viên đã trở thành hiện thực để rồi những năm sau, thầy tìm lại được niềm tin vào khả năng của mình và nhận nhiệm vụ mới tại ngân hàng thế giới World Bank hay kinh doanh với gia đình ở Beaverton thuộc tiểu bang Oregon.
Ngày vui qua mau, sau 25 năm gia đình xum họp ở Mỹ, các con đã trưởng thành và có chồng vợ. Thầy cô yên vui trong cuộc sống hưu trí với đàn cháu Nội Ngoại, thỉnh thoảng háo hức đi du lịch thăm viếng bạn bè xa gần nhất là chuẩn bị kỳ đại hội họp mặt điện lực Paris dự trù vào tháng 09/2004 tổ chức tại Foyer International d’Acceuil thuộc Paris 14ème nơi mà 51 năm trước, thầy cô đã làm lễ cưới cũng ở quận này. Thầy cũng định trong chuyến đi Pháp sắp tới, hai người sẽ sống lại những năm đầu tiên yêu nhau khi cả hai còn là sinh viên. Trở lại nơi hẹn hò quen thuộc như Bois de Meudon, Bois de Fontainebleau hay picnic ở Bois de Rambouillet cuối tuần. Bao nhiêu kỷ niệm cũ sẽ trở về để hai ngưòi yêu nhau dù tuổi đã cao nhưng tình không già, sẽ thêm một lần âu yếm giữa trời Âu như những năm xưa còn trẻ. Tiếc thay, trong ánh lửa hồng của tình yêu hạnh phúc đã có sẵn tro tàn lạnh lẽo mang mầu đen tang tóc của biệt ly, cô Dân đã bất ngờ ra đi 1 tháng trước ngày đại hội điện lực Paris. Thế là hẹn hò khép lại từ đây ! Nỗi Lòng Người Đi lần thứ hai dù êm đềm, không lời trăn trối nhưng đã để lại bao thương tiếc trong lòng người ở lại và tất cả bạn bè thân thuộc gần xa.
Cô Dân được mai táng trên đồi Skyline Memorial Gardens tại thành phố Portland một buổi chiều mùa Thu cuối tuần có nắng vàng ấm áp, ngày Thứ Bẩy mùng 07/08/2004 để rồi từ nay, trên ngọn đồi khoảng khoát, những người lai vãng nơi đây sẽ thường gặp một ông già đến nằm bên cạnh ngôi mộ nói chuyện nhưng chỉ một mình với hư không như chưa bao giờ xa cách người vợ hiền. Hãy đọc lời thầy viết cho cô mà giây phút cuối cùng dù đã điểm nhưng họ vẫn là tình nhân ... « Cưng ơi ! Cưng ra đi Anh tưởng như nhà tan đất lở. Tất cả gia đình đều khóc. Bạn bè đều thương mến, đều nhớ tiếng nói, nụ cười và tiếng hát của Cưng. Anh cảm ơn Cưng đã hy sinh trên 50 năm cho gia đình chúng mình đến ngày hôm nay. Thôi gia đình và các bạn xin vĩnh biệt Cưng từ nay. Phần Anh, trong tương lai gần, Anh sẽ trở lại đây, nằm bên cạnh Cưng, chúng mình sẽ gần nhau mãi mãi ... Phát đây ! Cưng của Cưng đây ».
Theo tâm lý, tôi hiểu là đa số đàn ông đều mơ tưởng có 3 hình ảnh người đàn bà trong cuộc đời cùng một lúc. Thường là Người Vợ để giao phó nhà cửa tiền bạc và sanh con còn gọi nôm na là cơm, Người Tình để hẹn hò yêu đương vụng trộm gọi là phở và Người Đẹp tri kỷ tâm đầu ý hợp để thổ lộ sự đời có thể coi như món nhậu. Vợ sống hàng ngày bên cạnh nên có sự ràng buộc, Tình nhân xen vào giữa để bù đắp tình cảm thiếu thốn từ vợ và Người đẹp tri kỷ để nhỏ to tâm tình sự đời những lúc cần thiết như vai trò một người bạn. Đối với thầy Phát, theo như hồi ký tôi vừa đọc, cô Dân đã mang hình ảnh cả ba nhân vật nên mối tình thầy cô vừa kể thật lý tưởng. Dù ở hoàn cảnh nào, hạnh phúc hay thương đau cũng đều có nhau, hiển nhiên sẽ không dễ tìm thấy trong cuộc sống sô bồ ngày nay. Xin để Paul Newman của Hollywood trả lời giùm thầy nếu có ai thắc mắc về sự thuỷ chung qua câu trích dẫn : « Why fool around with hamburger when you have steak at home ? » hiểu theo nghĩa bóng, cô Dân quả là người đàn bà tuyệt vời để tình yêu cô lưu lại trên thế gian thành đoá hoa bất tử.
Để kết thúc câu chuyện tình chung thuỷ e ấp ít nhiều chất thơ lãng mạn vừa kể, chỉ tiếc một điều là cuộc đời đã bắt hai người đôi ngả chia ly vì lẽ thường tình có hợp có tan. Tôi viết lại bài thơ « Les Feuilles Mortes » của Jacques Prevert với bản tạm dịch để tặng Thầy. Tưởng nhớ đến những ngày còn trẻ yêu nhau. Kỷ niệm và hình bóng sẽ không bao giờ phai mờ trong tâm hồn và cả trái tim.
 <a href" src="

1 comment: