Thursday, May 2, 2013

38 NĂM - NHÀ NƯỚC CỦA MỘT NỬA - Ngô Minh



Nhiều đêm tôi không tài nào ngủ được. Cứ nghĩ đến đất nước từ sau năm 1975 đến nay, đã 38 năm gọi là “thống nhất” nhưng thực tế lòng người chưa về một mối. Thực tế vẫn tồn tại hai loại người: Người phe của cách mạng và người thuộc phe “ngụy quân ngụy quyền”. Hai “loại người” cùng sống trong một làng, ấp, xã này khác biệt nhau từ ý thức hệ đến những chế độ chính sách cụ thể hàng ngày. Những phân biệt đối xử như vậy khiến người dân liên quan đến “ngụy quân ngụy quyền” cứ nghĩ: Nhà nước này là nhà nước của những người cách mạng, không phải nhà nước của mình. Nghĩa là NHÀ NƯỚC CỦA MỘT NỬA. Cụ thể như thế nào ?

 
1.Từ sau năm 1975 đến nay, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sau đó là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đã thi hành chính sách bắt những người có chức vụ trong chính quyền Sài Gòn và sĩ quan quân lực Sài Gòn, sĩ quan anh ninh, tâm lý chiến đi cải tại các trại tập trung. Thực chất là đi tù. Cải tạo lâu đến nỗi nhiều người vợ ở nhà lấy chồng khác. Khi ra khỏi trại thành kẻ lạc loài. Rồi chính sách cải tạo công thương nghiệp làm cho nhiều người điêu đứng phải vượt biên.. Rồi trấn áp, bắt bớ người vượt biên. Một số địa phương ven biển còn lợi dụng “bắt vượt biên” để trấn vàng, trấn của. v.v..Nhà nước lúc đó không hề có một chính sách nào hướng dẫn, giúp đỡ những người gọi là “ngụy quân ngụy quyền và con em của họ” ổn định đời sống tinh thần và vật chất. Giả sử có một chính sách nhân đạo, hòa giải từ đầu thì đã không có chuyện hành trăm ngàn người vượt biên bỏ xác trên đại đương, gây nên một mối hận lớn trong xã hội, vì thế Nhà nước không phải của họ, mà nhà nước là của những người cách mạng.

2. Trên TuầnViệt NamNet có in bài báo kể chuyện một anh lính Sài Gòn .”Anh tên Ngô Công Vò, quê xã Thủy Phù, Hương Thủy, Thừa Thiên – Huế, đi lính cho chế độ Sài Gòn năm 1970. Anh bị thương trong ngày cuối cùng của chiến tranh. Bây giờ dù tàn tật vẫn phải lao động vất vả để nuôi con vừa phải đối mặt chiến tranh khi chiến tranh đã đi qua, và về tình người. Anh kể: "So với nhiều anh em lính chế độ cũ, tôi còn may mắn hơn nhiều. Nhưng cuộc sống vẫn vất vả lắm. Anh em thương binh phía Bắc còn có chế độ, chứ chúng tôi chẳng có gì, làm việc quần quật mà chẳng đủ nuôi vợ con". Đáng lẽ Nhà nước XHCN phải có một giải pháp nào đó đối với những người “thương binh của quân đội Sài gòn”, bằng những trợ cấp dưới góc độ nào đó, hoặc đàm phán với Chính phủ Mỹ để giải trợ cấp cho họ, để họ có đường sống. Nghe nói Chính phủ Mỹ đề nghị được trợ cấp cho thương phế binh quân đội Sài Gòn (cũ), nhưng Nhà nước Việt Nam không thống nhất (?). Ở Huế tôi thấy rất nhiều trí thức học hành tử tế, kiến thức về văn hóa xã hội uyên bác, là viên chức, giáo viên khoa học xã hội và nhân văn thời chính quyền Sài Gòn cũ, nhưng sau năm 1975 , bị ném ra đường, thành NHỮNG NGƯỜI ĐẠP XE THỒ, ĐI RÀ SẮT VỤN  kiếm sống. Đối với anh em trí thức này, mặc cảm xã hội của họ là rất lớn. Phân biệt đối xử tới mức cho đén tận hôm nay, vẫn có nhiều người trong qhính quyền , khi nhắc tới con em những người làm việc dưới chế độ cũ là :”Con em bọn ngụy quân ngụy quyền”. Nhiều nhà văn, nhà thơ, đạo diễn điện ảnh đã cố gắng , bằng sáng tác của mình để rút ngắn sự cách biệt này, như bộ phim “Sống trong sợ hãi“, là bộ phim truyện nhựa đầu tay của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên. Phim kể về cuộc sống của một cựu chiến binh Việt Nam cộng hòa phải sống cuộc đời vất vả mạo hiểm là đào bom mìn còn sót lại từ thời kỳ chiến tranh đem bán; và cuộc sống căng thẳng của ông với hai người vợ, trong đó có một người là em gái một sĩ quan Bắc Việt Nam. Bộ phim cảm động làm cho mọi người Việt hiểu thêm rằng dù ‘bên này’ hay ‘bên kia’, nỗi đau đều giống nhau. Nhưng những cố gắng đó đều bị chính sách phân biệt đối xử của NHÀ NƯỚC CỦA MỘT NỬA làm cho tiêu tan.

3. Ngay trong chính sách tuyển dụng, biên chế, chính sách xét tuyển đại học, chính sách trợ cấp xã hội ở nông thôn.vv.v.. Nhà nước XHCN cũng phân biệt đối xử rất ngặt nghèo. Chính sách ban hành chỉ dành cho một nửa, tức là “con em những người cách mạng”. Còn những người dính líu đến “bên kia chiến tuyến” thì lúc nào cũng nằm ngoài sự quan tâm đó. Ví dụ có ông giáo ( thời cũ) sống rất nhân văn, lại có trình độ để xử lý công việc nhanh nhạy, chính xác, nhưng khi bầu “Tổ trưởng dân phố” liền bị trên gạt đi vì “ngụy quyền cũ”. Đại biểu Quốc hội tiếp xúc với dân thì chỉ tiếp xúc với “thành phần cốt cán” được chọn trước. Lãnh đạo đảng, nhà nước về thăm thì chỉ thăm Bà me VN anh hùng, thăm gia đình cách mạng, không bao giờ ngó ngàng tới loại “phó thường dân hạng hai” ấy. Thời bao cấp hơn 15 năm sau năm 1975, con em lính và công chức Sài Gòn cũ không bao giờ được vào các trường đaị học, dù điểm thi rất cao. Mãi đến đầu thế kỷ XXI, sau gần 10 năm “đổi mới”, con em của “một nửa không chính quyền” mới được đi học các trường Quốc tế, trường Dân lập và một số trường Đại học chính quy. Mấy năm nay, người từ 80 tuổi trở lên có chính sách trợ cấp hàng tháng, may mà các cụ già “ngụy quân ngụy quyền” được nhớ tới. Ở làng xã các tỉnh miền Nam, “chế độ đối với người có công với cách mạng” là tốt, nhưng nó cũng như cơn dao hai lưỡi, cứa sâu thêm vết thương chiến tranh trong lòng dân tộc.

4. Vướng vào chiến tranh là số mệnh đau thương của đất nước. Gần chục triệu người Việt Nam hy sinh vì cuộc đọ sức giữa hai phe trong cuộc chiến tranh lạnh. Người còn sống đau khổ, người chết vẫn chưa yên . Nhà thơ Nguyên Duy có câu :” Bên nào thắng thì nhân dân vẫn thua”. Quá đúng. Hàng trăm ngàn hài cốt “con em miền Bắc” vẫn còn nằm trong đất Việt Nam – Lào-Cămphuchia, chưa tìm về được. Hàng triệu hài cốt chiến binh Sài Gòn tử trận giờ không ai hương khói vì người thân của họ đi di tản ra nước ngoài. Ngay cái nghĩa trang 16.000 binh sĩ Sài Gòn tử trận ở Dĩ An, Biên Hòa 38 năm nay cỏ hoang mọc lút. Tháng 11 năm 2006, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định 1568/QD-TTg “đồng ý chuyển mục đích sử dụng 58 ha đất khu nghĩa địa…sang sử dụng vào mục đích dân sự để phát triển kinh tế – xã hội” và “chỉ đạo việc quản lý khu nghĩa địa Bình An bình thường như các nghĩa địa khác theo quy định của pháp luật.”. Khu nghĩa trang đã không được trùng tu từ lâu vì là khu vực quân sự “nhạy cảm”. Vì để “sử dụng vào mục đích dân sự để phát triển kinh tế – xã hội” nên chính quyền địa phương đã có kế hoạch mở một con đường dân sinh đi ngang qua nghĩa trang này. Theo Hội Việt Mỹ, Vietnamese American Foundation, tổ chức đang vận động với chính phủ Việt Nam để trùng tu và tôn tạo Nghĩa Trang Biên Hòa, vừa thông báo Sở Giao Thông Vận Tải huyện Dĩ An đã cho người cắm cọc gọi là giải phóng mặt bằng để làm một con đường xuyên qua nơi an nghĩ của 16.000 binh sĩ miền Nam .Không có gì độc ác hơn kế hơạch này. Người bại trận rồi, chết rồi, vẫn bị “căm thù” đến mức mồ mả không yên, là một nỗi đau lớn. Đây là một thông tin làm cho NHÀ NƯỚC CÀNG TRỞ THÀNH NHÀ NƯỚC CỦA MỘT NỬA, ngay cả trong tâm linh.

5. Ở trên tôi nói đến NHÀ NƯỚC MỘT NỬA từ ý thức hệ “ta-địch” . Có một loại NHÀ NƯỚC MỘT NỬA khác là Nhà nước ra tay ủng hộ bọn cướp đất của dân, điều động cảnh sát , quân đội trấn áp nhân dân để cho bọn cướp đất làm giàu như ở Tiên Lãng, Văn Giang. Ở Tiên Lãng, người nông dân bị hại đứng lên chống lại bọn cướp thì bị xử tù nặng hơn bọn cướp. Nghĩa là Nhà nước là NHÀ NƯỚC CỦA MỘT NỬA, nhà nước của quan chức tham nhũng.

38 năm, giang sơn đã thu về một mối, nhưng lòng người vẫn chia đôi. Sự phân chia này một phần do mặc cảm xã hội ăn sâu trong lòng người “bên này, nên kia”. Nhưng phải nói thẳng rằng, 38 năm qua , Nhà nước cầm quyền đã không có được một chính sách xã hội thích đáng để hàn gắn vết thương lòng của dân tộc, tạo nên sự hòa hợp, hòa giải dân tộc, mà nhiều khi còn làm cho tình trạng bất hòa tăng lên. Tôi cứ nghĩ, nếu cứ tiếp tục quản lý đất nước theo ý thức hệ “địch – ta” như thế này thì đến trăm năm nữa người Việt cũng không hòa giải dân tộc được. Phải có cái tâm, cái tầm lớn mới tạo ra được một Nhà nước của 65 triệu dân Việt Nam, chứ như bây giờ mới chỉ là NHÀ NƯỚC CỦA MỘT NỬA.


Ngô Minh

http://quechoa.vn/2013/04/29/38-nam-nha-nuoc-cua-mot-nua/

No comments:

Post a Comment