“Xin Nhận Nơi Này Làm Quê Hương” thật ra là tựa một bài hát rất thịnh hành trong phong trào du ca trong nước, khi miền Nam ta còn chìm đắm trong máu lửa chiến tranh. Một cuộc chiến mà bất hạnh cho chúng ta, chỉ là một cuộc nội chiến “ủy nhiệm”, một trận “đánh gửi”, “đánh dùm thiên hạ”. Thanh niên miền bắc chết “cho Trung Quốc và Liên Xô” trong khi thanh niên miền nam chết để “bảo vệ tiền đồn của thế giới tự do”. Hình như chẳng ai chết cho mảnh đất của các vua Hùng.
Hơn bốn thập niên sau khi chiến tranh chấm dứt, lêu bêu xứ người, bây giờ dân tỵ nạn tại Mỹ nhìn lại, thấy “nơi này”, tức là quê hương mới, không phải là quê cha đất tổ, mà là quê của Bác Sam mà nhìn hình, chẳng giống ông nội ông ngoại ta gì hết. Ít ra thì ta cũng không phải đưa hình một ông Tây đầu tóc bù xù, râu ria rậm rạp tên Các họ Mác lên bàn thờ tổ quốc như trong nước đã từng làm.
Một lần về nước, gặp lại một anh bạn già, kẻ viết này được anh vỗ vai “Mày thật là may mắn, qua được Mỹ”. Chỉ khiến kẻ viết này phải suy nghĩ lại. Có thật vậy không? Có thật là người đi gặp may, còn người ở lại là không may không?
Nếu nhìn vào cuộc sống vật chất trước mắt thì quả không sai. Những người chạy ra được nước ngoài đúng là những người may mắn. Thoát được cảnh đổi đời, sâu bọ lên đầy ải con người của thời “giải phóng bao cấp”, nhất là thoát qua những ngày “học tập cải tạo” mà thực chất chỉ là học... gánh phân, khỏi phải ăn bo bo, khỏi phải xếp hàng cả ngày để mua hai thước vải thô may quần áo, khỏi phải xoa dầu cù là để bớt nhức đầu nghe “đỉnh cao trí tuệ loài người” khoe đoạt đủ loại “kỷ lục sản xuất”, ra rả từ cái loa đầu ngõ, con em cũng không phải đi “nghiã vụ” sống chết với kẻ thù mới từng là “người anh em môi hở răng lạnh Căm-Pu Chia”, v.v... Ngay cả ngày nay, hơn hai chục năm sau “đổi mới”, vẫn còn may mắn khi không phải sống trong phập phòng lo sợ, lo sợ đủ thứ, sợ công an, sợ tai nạn xe cộ, sợ ăn phải thịt heo thúi, sợ không đủ tiền “bổ dưỡng” ông bác sĩ để được chữa bệnh, sợ bị cướp giựt, sợ bị lừa đảo, sợ phải học tiếng Tầu, v.v...
Vạn sự trên đời chỉ là chuyện tương đối. So với những người trong một chế độ mà cột đèn cũng muốn trốn chạy thì quả là dân tỵ nạn may mắn thật. Nhưng chưa thể nói là... đẻ bọc điều được.
Có một thời, người trong nước nhìn đám tỵ nạn, tưởng tất cả đều là... triệu phú hết rồi. Nghe đồn anh chị nào tỵ nạn ở cái xứ giàu nhất thế giới này cũng đều có việc làm tươm tất, lãnh lương vài ngàn đô một tháng nghe mà chóng mặt khi trong nước kiếm được một đô một ngày là coi như hạnh phúc lắm rồi. Bạc ngàn đô làm sao xài cho hết. Thành thử bà con bên nhà vẫn thường gửi thư kiểu “gửi cho cô ít tiền con nhé, không cần nhiều đâu, chỉ vài trăm đô một tháng là đủ rồi”. Gửi thì không đủ khả năng, không gửi thì bị rủa. Làm gì đây?
Cái hình ảnh triệu phú này lại được xác nhận rõ ràng qua vài anh chị liều mạng về nước thời mới mở cửa, để có dịp làm cậu ấm về làng khoe khoang kiểu như trước đây làm nghề vá bánh xe đạp mà giờ đây “làm văn phòng luật sư” mà quên mất nói cho rõ là làm gác-dan.
Sự thật khác xa với sự tưởng tượng của bà con trong nước. Có thể nói 99% dân tỵ nạn qua đây đều thuộc loại trên răng dưới khố. Anh chị nào may mắn thì mang theo được một bịch quần áo cũ, cùng với hai ba lượng vàng lót tay, mỗi lượng thời đó chỉ đáng giá chưa tới hai trăm đô. Ngay cả những ông tướng hay quan chức lớn, cho dù bị tố cáo tham nhũng hạng bự cũng chẳng khá hơn bao nhiêu. Kiểu như ông Phó râu kẽm cũng chỉ mở nổi một tiệm bán rượu nhỏ xíu. Giàu nhất cũng còn thua xa quan bí thư huyện ngày nay.
Qua đến đây, những ngày tháng đầu, mỗi tuần một lần xếp hàng cả ngày nhận được hai chục đô tiền túi “pocket money” và một tập phiếu thực phẩm “food stamps” là mừng như trúng số. Rủng rỉnh đi mua một chai bia, uống dành dụm trong hai ba ngày, với vài con tôm khô. Sau đó, nếu may mắn thì kiếm được hai jobs, làm 14 tiếng một ngày.
Phải nhìn nhận chúng ta phải chịu cái ơn vô cùng lớn với quê hương mới này. Phải nhìn vào Âu Châu giàu có, sung túc ngày nay đang vật lộn với khối di dân Trung Đông, ta mới thấy được nước Mỹ đã thành công, hơn xa Âu Châu khi họ đã mau chóng ổn định được đám cả trăm ngàn dân tỵ nạn chúng ta. Thành công từ phương diện tài chánh đến nhân đạo. Từ chính phủ đến người dân thường, tất cả đều sốt sắng đưa tay đón nhận chúng ta. Thử hỏi trên thế giới này, có xứ nào ngoài xứ Mỹ lại có chuyện chính phủ kêu gọi người dân thường giúp dân tỵ nạn, rồi hàng ngàn gia đình dân thường mở cửa đón vào nhà bọn tỵ nạn lớ ngớ, tiếng tăm không biết, nghề ngỗng không có, tiền bạc rỗng tuếch, văn hoá nhà quê quái lạ,... Thử tưởng tượng cái xứ láng giềng Căm Pu Chia bị hoạ, chạy qua Việt Nam tỵ nạn, có bao nhiêu gia đình Việt mở cửa đón dân tỵ nạn Căm Pu Chia vào nhà mình song?
Nhất là khi văn hoá Mỹ - Việt khác nhau như mặt trăng mặt trời. Nếu dân Mỹ thấy dân tỵ nạn... quái lạ, thì dân tỵ nạn ta nhìn dân Mỹ cũng thấy... quái chiêu không kém. Biết bao nhiêu chuyện lạ lùng.
Một ông già đánh cá ở Pensacola, trúng mối vài mùa cá, dành dụm được ít tiền, vào một hãng bán xe “siêu sang” Cadillac, nhìn qua nhìn lại, không anh bán xe nào tiếp, vì ông khách đi dép Nhật, mặc đồ bà ba nhầu nát đậm đà mùi... Đồng Tháp, trông như tên ăn mày. Ông chỉ cái xe ưng ý nhất, hỏi giá rồi nói ngay “tôi mua”. Đưa cho anh bán xe cái bao giấy dầu màu vàng nghệ. Anh bán xe tưởng là gói bánh mì xăng-uýt, mở ra thấy một xấp giấy đô, 100, 50, 20, 10 đô đủ loại. Kêu cảnh sát bắt anh tỵ nạn vì nghi anh này ăn cắp tiền đâu đó. Mấy ông Mỹ, trong túi có được hai chục đô là cao. Mà cũng chẳng ai mua xe trả tiền mặt như vậy. Toàn là mắc nợ. Ở cái xứ này, nợ như Chúa Chổm mới oai, không mắc nợ là đồ bỏ. Cứ nhìn TT Obama đi vay mượn cả chục ngàn tỷ thì biết.
Kẻ viết này làm chung sở với một anh Mỹ. Nghe tin bố mất tận đâu tiểu bang nào đó. Nhưng thấy anh này vẫn tỉnh bơ đi làm, không xin nghỉ về dự đám táng bố gì cả. Hỏi anh ta thì anh thản nhiên hỏi lại “Ủa, về làm gì cho tốn tiền? Đằng nào thì ông ấy cũng chết rồi, tao về ông ấy cũng đâu có biết gì? Mấy năm nay, ông ấy sống trong viện dưỡng lão nào, tao cũng chẳng biết mà ông ấy cũng chẳng cần tao thăm hỏi gì”. Tình phụ tử của xứ văn minh?
Một năm sau ngày di tản 75, có bầu tổng thống. Mấy anh nhân công tỵ nạn đi làm, đến giờ tan sở, ra cổng thấy một ông Mỹ mặc quần cao bồi, áo sọc xanh đỏ, nhe răng cười toe toét, bắt tay từng người “Hi, Im Jimmy Carter! Im running for president!” Hả? Ứng viên tổng thống? Để rồi vài tháng sau thấy chính cái ông này tuyên thệ, cũng với cái nhe răng cười vô duyên này. Trong đầu dân tỵ nạn, tổng thống ít ra cũng phải có tướng bệ vệ, kiểu ngũ đoản như cụ Diệm, hay nghiêm trang không bao giờ cười như ông tướng Thiệu chứ. Ai như cái anh Cạc tơ, cạc lụa này?
Đã vậy, cái anh tổng thống này thật lạ. Sau khi Mỹ bị Việt Cộng đánh cho chạy toé khói, chẳng có vẻ gì là thù hằn CS cả, mà lại mau mau đòi nhìn nhận và “xin” bang giao với chúng, cho dù hàng ngàn đồng minh quân cán chính “ngụy” còn đang bị “cải tạo” rục xương. Chưa chi đã lo gửi ông ngoại trưởng “Thích Tô Phở” (Christopher) qua VN để năn nỉ mấy anh VC cho Mỹ được hân hạnh bang giao?
Nhưng rồi ngày qua, tháng lại, dân tỵ nạn ta cũng ổn định, ăn nên làm ra phần nào. Phần lớn hội nhập vào giai cấp “trung lưu”.
Nghe qua thì đây có vẻ là chuyện đáng mừng, vì từ khố rách áo ôm tỵ nạn, mà chỉ trong vài năm ngắn ngủi đã leo thang lên trung lưu, leo qua đầu không biết bao anh chị Mỹ trắng, Mỹ đen, Mỹ nâu, hay cả Mỹ vàng như Mỹ gốc Tàu, Phi, Căm Pu Chia, Lèo,... Thật giỏi! Thật oai!
Để rồi khám phá ra là thật sự đã chui đầu vào rọ. Cái rọ của những người không đủ tiền để trực diện với vật giá đắt đỏ, từ tiền thuê nhà hay mua nhà đến mua xe cho dù là xe Toyota thời Kennedy còn sống, chưa đủ tiền xăng nhớt, thiếu tiền chợ búa, hụt tiền học hành của con cái, mà vẫn cong lưng chịu thuế má nặng nề; nhưng lại không đủ nghèo để được miễn thuế hay nhận trợ cấp này nọ. Chỉ đủ sống lai rai với cả hai vợ chồng cặm cụi đi làm, có khi hai ba jobs, cả ngày nhìn thấy mặt con cái vài phút là vui rồi.
Dân tỵ nạn ta cũng có dịp được “văn minh hoá”, làm quen với các nguyên tắc phải đạo chính trị (PĐCT) là những nguyên tắc “văn minh nhân bản” được phát minh ra với mục đích bảo vệ, hay ít nhất cũng chống mọi hình thức kỳ thị hay đụng chạm, làm phật lòng các anh chị thiểu số, từ thiểu số da màu đến phụ nữ, tỵ nạn, di dân, đồng tính, chuyển giới, và mới đây lan qua khối Hồi giáo.
Phải nói cho ngay “chế độ” PĐCT thực ra bộc phát từ dưới thời TT Carter. Điển hình là việc ra đời của một ngôn ngữ mới, rất lạ tai. Danh từ mới được thông dụng nhất là “Mỹ gốc Phi Châu” –African Americans, để chỉ dân da đen. Không còn được gọi là đen –black- nữa.
Rồi hàng loạt danh từ mỹ miều mới được phát minh, chẳng hạn như người mù thì không được gọi là “blind” mà phải gọi là “vision challenged”, hay người điếc thì không được gọi là “deaf” mà phải gọi là “hearing challenged”. Rất khó dịch, đại khái là những người mà thị giác, thính giác gặp khó khăn, thử thách. Mấy tên tội phạm nhóc –criminals- được gọi là “thanh niên có vấn đề với luật pháp” –justice challenged youth-, ai muốn hiểu sao thì hiểu.
Cái chuyện PĐCT còn đi vào chính sách luôn. Trong mục đích nâng đỡ những khối dân thiểu số, TT Carter ra luật Community Reinvestment Act. Trên căn bản là để đầu tư vào việc phát triển các cộng đồng, các khu phố điêu tàn trong trung tâm các thành phố lớn như Detroit, Atlanta, Harlem,... nhưng trên thực tế để giúp dân da đen có thể vay tiền mua nhà. Luật này bắt buộc các ngân hàng phải cấp một số tối thiểu nợ mua nhà cho dân da màu, nếu không sẽ bị truy tố là kỳ thị, bị Nhà Nước phạt rất nặng.
Luật này đưa đến tình trạng các ngân hàng phải nới lỏng tiêu chuẩn vay mượn, đẻ ra nợ dưới tiêu chuẩn –subprime loans-. Thằng bé “subprime” lớn như thổi, đúng ba chục năm sau đưa đến đại khủng hoảng tài chánh lớn nhất thế kỷ.
Việc áp dụng nguyên tắc PĐCT vào việc mua nhà cửa cũng giúp cho khá nhiều dân tỵ nạn ta ăn nên làm ra. Dù thuộc loại “dưới tiêu chuẩn”, nhưng cũng đủ tậu nhà ở, rồi mua luôn nhà cho thuê, hay buôn đi bán lại nhà cũ, làm giàu mau chóng. Nhưng mặt khác cũng gây điêu đứng cho không ít ông bà tỵ nạn thích nhà cao cửa rộng thấy nhà mình bị “chìm dưới nước” –underwater-, tức là giá nhà thấp hơn xa cái nợ với ngân hàng, có bán nhà cũng vẫn còn nợ đến đời con đời cháu.
Hiện nay, PĐCT dưới chế độ Obama đã leo lên đến những mức khôi hài nếu không muốn nói là … quái lạ. Hôn nhân đồng tính trở thành “đúng mốt thời thượng”. Một cụ già 90 tuổi, goá vợ mấy chục năm nay, bất thình lình dở chứng, quyết định làm đám cưới với một anh kép 20 tuổi, được truyền thông tung hô là “tiến bộ”, tuy già nhưng chưa hủ lậu. Một anh chuyển giới được tặng giải “can đảm nhất năm”. Một anh tù muốn chuyển giới, Nhà Nước mau mắn chấp nhận chi trả hết tiền mổ xẻ, thuốc men vì tuy là tù, nhưng vẫn có “nhân quyền” mà Nhà Nước phải tôn trọng. Dân lưỡng tính có quyền muốn vào phòng vệ sinh nam hay nữ tùy ý thích, mà chẳng ai có quyền kiểm tra gì hết. Giới tính phải được ghi nhận theo ý muốn chứ không phải theo hình dáng cơ thể. Lực điền, râu ria rậm rạp mà muốn được gọi bằng “cô” thì thiên hạ cũng phải gọi bằng cô thôi. Nhân quyền của “cô” mà, phải tôn trọng chứ!
Nhìn vào mấy cái nguyên tắc PĐCT này, mới thấy được cái nước năm bẩy ngàn năm văn hiến của ta còn quả là nhà quê quá mức, thua xa cái nước hai trăm năm văn hiến Cờ Hoa. Ta chẳng biết mô tê gì về những cách xử thế nhân bản trong cái quê hương thứ hai cực văn minh này.
Bốn thập niên nơi quê hương mới này cũng khiến dân tỵ nạn hiểu rõ tại sao đại cường Cờ Hoa lại có thể đánh nhau thua mấy anh dép râu mũ tai bèo khiến ta phải lưu vong. Vì thực tế đại cường này không “đại” mà cũng chẳng “cường”. Chỉ là loại Lỗ Trí Thâm, đánh được ba búa, đến búa thứ tư thì dơ tay lên hết nổi.
Trong thời gian bốn thập niên qua, đại cường đánh nhau với hai địch thủ lớn: khối cộng sản Liên Xô và khủng bố Hồi giáo.
Trong cuộc đấu chống Liên Xô, khó ai chối cãi được công của TT Reagan đã giúp xô anh cọp giấy CS này xuống hố cho tiêu đời luôn, nhưng sự thật là Liên Xô sụp đổ vì những ung thối từ trong ruột, một cuộc đấu “bất chiến tự nhiên thành”. Một chế độ hoang tưởng, áp đặt trên đầu thiên hạ bằng súng đạn và tù đầy, thọ được 70 năm là quá rồi.
Cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo cuồng tín, phải nói cho ngay, là đại cường tuy chưa thua hẳn nhưng không thắng. Thật ra, thiên hạ đã chứng kiến sự lớn mạnh mau lẹ của những nhóm quá khích, từ dăm ba tên thí mạng cùi đánh Nữu Ước hai lần, bây giờ đã trở thành một lực lượng võ trang không nhỏ kiểm soát được một phần tư Trung Đông, reo hãi hùng lên cả thế giới, từ Mỹ qua đến Âu Châu. Trong khi ông tổng thống đại cường gãi đầu gãi tai, trắng tóc mà vẫn chưa tìm ra được cách đối phó.
Nếu nhìn vào kỹ thuật, tiền bạc, vũ khí, một mình nước Mỹ cũng hạ được liên minh cả 200 nước còn lại trên thế giới chứ đừng nói một nhúm khủng bố. Nhưng nhìn vào ý chí chiến đấu, tinh thần hy sinh, nước Mỹ chắc chỉ hơn có... Cộng Hoà Dân Chủ Nhân Dân Lào. Nhất là khi được lãnh đạo bởi ông Nobel Hòa Bình.
Ở đây, dân tỵ nạn ta cũng có dịp hiểu rõ hơn chế độ dân chủ kiểu Mỹ. Lãnh đạo do dân bầu ra, không cần ai “giới thiệu” gì hết. Chắc tại vậy mà bầu lãnh tụ cũng không khác gì đánh... bài cào. Có khi 9 nút, có khi bù trân.
Bất kể TT Obama là bù trân hay chín nút, việc một ông da đen vô danh đắc cử làm tổng thống quả là chuyện đổi đời, chỉ có thể xẩy ra tại cái xứ thành trì của tự do dân chủ theo ý dân này thôi. Nhiều ông bà tỵ nạn tự tin nhìn vào, thấy tương lai sáng rực cho con cái: biết đâu thằng con tôi sẽ làm tổng thống Mỹ? Cánh cửa cơ hội đã mở lớn hơn bao giờ hết.
Lớn cỡ nào không biết, chỉ biết trong cái xứ với gần 350 triệu dân, được coi như khai phóng nhất, văn minh nhất, với mức dân trí cao nhất thế giới cũng như cao nhất lịch sử loài người, mà tranh đi cãi lại, cuối cùng trong cuộc bầu cử lãnh đạo tối cao hiện nay, còn hai người vào chung kết: một ông mà một nửa cử tri cho là mát giây, và một bà mà số nửa cử tri còn lại cho là dối trá. Ngày bầu cử tới, chắc tôi dẫn thằng cháu nội đi Disneyland để nó bầu cho Mickey Mouse, vui hơn.
Nhìn về quê hương gốc, ta cũng có dịp chứng kiến một mâu thuẫn... lịch sử. Trong khi đám tỵ nạn “tay sai của đế quốc” miễn cưỡng lau nước mắt rời quê cha đất tổ qua xứ đế quốc tỵ nạn, để rồi ngày đêm mong ngày trở về, thì đám “yên hùng yêu nước đại thắng đánh Mỹ cứu nước” ngày nay lại tìm đủ cách bám gót giầy đế quốc, nếu bản thân chưa chạy được qua xứ đế quốc thì cũng tìm đủ cách gửi tiền cho đế quốc giữ dùm, và gửi con cho đế quốc dạy dùm. Không tin hỏi tân thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì biết.
Ra đường tại những khu Bolsa ở Little Saigon hay Bel Air ở Houston ngày nay, sẽ thấy không thiếu gì cán ngố đang trố mắt nhìn Hòn Ngọc Viễn Đông của Bí Thư Đinh La Thăng đã di tản qua Mỹ từ lâu rồi. Mấy anh tỵ nạn bán nhà ở Los cũng đang bù đầu học nói tiếng Việt “hiện đại” để chào đón khách hàng đại gia đỏ. Khỏi cần thắc mắc chuyện làm đơn xin vay tiền ngân hàng bằng tiếng Mỹ chi cho rắc rối, trả tiền mặt hết cho khoẻ. Nửa triệu đô? Chuyện nhỏ!
Căn biệt thự tại số 636 South Halliday Street, Anaheim, CA 92804 được
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mua từ năm 2005
Ngày xưa, đọc truyện kiếm hiệp Kim Dung, thấy các tay kiếm khách lên núi diện bích luyện nội công một hai chục năm, nghe đúng là tiểu thuyết hoang đường. Bây giờ thoáng đây đã tỵ nạn hơn bốn chục năm. Tưởng như mới hôm qua! Chỉ vẫn chưa thấy được ngày nào hạ sơn, về cố quốc thôi. (01-05-16)
Vũ Linh
Ngày xưa, đọc truyện kiếm hiệp Kim Dung, thấy các tay kiếm khách lên núi diện bích luyện nội công một hai chục năm, nghe đúng là tiểu thuyết hoang đường. Bây giờ thoáng đây đã tỵ nạn hơn bốn chục năm. Tưởng như mới hôm qua! Chỉ vẫn chưa thấy được ngày nào hạ sơn, về cố quốc thôi. (01-05-16)
Vũ Linh
No comments:
Post a Comment